Thi công tu bổ di tích

Bảo tồn, phục hồi di tích Đình làng Dương Nỗ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày tạo : 14/07/2015

Vừa qua, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã phối hợp với Phân viện KHCN Xây dựng miền Trung tổ chức lễ khởi công dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích Đình lang Dương Nỗ - Giai đoạn 2 - xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư 3.512.161.000đ, được thực hiện từ 3/2013 đến 8/2013 do Phân viện KHCN Xây dựng miền Trung làm đơn vị thi công.

Đình làng Dương Nỗ thuộc làng Dương Nỗ - xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, và lịch sử đình Dương Nỗ gắn chặt với lịch sử làng Dương Nỗ. Làng được thành lập thuở phôi thai đầu cuộc Nam Chinh của vua Lê Thánh Tông (năm 1471). Làng có nguồn gốc từ làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Đình làng Dương Nỗ là một di tích trong hệ thống các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là trong thời gian 2 năm Bác Hồ theo cha và anh về học tập ở Dương Nỗ (1898-1900).
Điều đáng ghi nhận là trải qua thời gian dài của lịch sử từ 1898 đến nay tuy di tích bị xuống cấp hư hỏng một phần nhưng cấu trúc hình dáng và hiện vật gốc, kể cả ngôi đình vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc giống như khi Bác Hồ về sống ở làng Dương Nỗ mà thường ngày Người vẫn ra chơi, học bài và viếng cảnh.
Vì vậy ngoài giá trị lịch sử khoa học là di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình làng Dương Nỗ còn mang giá trị kiến trúc nghệ thuật văn hóa tiêu biểu của một thiết chế văn hóa làng xã Việt Nam thời Nguyễn trên đất Huế. Với những nét đặc trưng quy mô và nghệ thuật kiến trúc còn lưu giữ (kể cả hiện vật còn lại trong đình), thể hiện một phong cách độc đáo tiêu biểu mà những ngôi đình khác ở trong vùng không có.
Sau khi hoàn thành công trình sẽ trả lại diện mạo vốn có của một di tích đẹp trong khu vực; trở thành hạt nhân quan trọng trong tuyến tham quan của du khách; tổ chức khai thác các hoạt động thích hợp, phục vụ thăm viếng nghiên cứu và du lịch; tổ chức các lễ hội truyền thống và làm sống lại các hoạt động văn hóa phi vật thể. Qua đó nhằm ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và các vùng phụ cận.

Các tin liên quan